Mười Phần Chín Tốt - Chương 5:
Cập nhật lúc: 2024-11-25 05:04:45
11
"Ta khi nào vay mượn..."
"Tống Toàn thật thà hiền lành, nhưng không phải kẻ ngốc. Tất cả các giấy nợ đều được cất trong chiếc rương nhỏ nhà ta, trên đó có cả dấu tay của tam thẩm. Nếu thẩm không thừa nhận, ta sẽ mang đến quan phủ nhờ quan lớn xem xét."
"Tống Toàn không đến đòi, là vì nể tình thân thích. Nhưng ta với các người không có quan hệ gì. Thẩm trả tiền, hay để ta mai cầm giấy nợ lên huyện đường?"
Tam thẩm đứng dậy, giơ một ngón tay chỉ vào ta. Nhưng bà ta người thấp bé, chẳng có chút uy thế nào.
Ta ưỡn ngực, đứng thẳng lên.
"Thẩm chưa nghe chuyện ta dùng dao mổ heo để cạo đầu người khác sao?"
Bà ta lập tức im lặng, xoay người đi vào trong.
Một lát sau, bà ta cầm ra một ít bạc vụn, miễn cưỡng đưa cho ta.
"Ngũ Lang đúng là cưới phải một con dạ xoa rồi..." bà ta lẩm bẩm.
"Ta sẽ cân lại số bạc này, nếu không đủ, ta sẽ quay lại. Thẩm tiện thể loan tin luôn nhé, bảo những ai nợ nhà ta thì đến mà trả. Nhà nào nghèo thật thì thôi, nhưng nếu có tiền mà giấu không trả, thì đừng trách ta nhẫn tâm. Sau Tết, ta muốn gửi Đại Lang đi học, ai nợ nhà ta, phải trả đủ từng đồng một."
Ta nắm tay Tiểu Tú, xoay người rời đi.
"Học hành? Đúng là mơ hão! Ngươi tưởng sách vở ai cũng học được sao? Một năm chỉ riêng học phí đã bao nhiêu bạc, ngươi có biết không? Một mẹ kế, giả bộ hay lắm, còn đòi cho con đi học..."
Tiếng chửi rủa của tam thẩm vang vọng sau lưng ta.
Nhà bà ta có một đứa cháu đang học trên trấn, sao nhà bà ta học được mà nhà ta thì không?
Ta chưa từng vào phòng của Đại Lang, dù sao nó là nam nhi, đã lớn, ta không tiện bước vào.
Nó trầm lặng ít nói, ngoài việc làm vài công việc nhà, phần lớn thời gian đều ở trong phòng.
Ban đầu ta không biết nó làm gì trong đó.
Nhưng hôm trước trời đẹp, Tiểu Tú mở cửa sổ cho thoáng khí, ta thấy trên bàn của nó có hai quyển sách.
Ta không biết chữ, cũng chẳng biết đó là sách gì, nhưng hai quyển sách đã cũ rách, rõ ràng là nó thường xuyên đọc.
Ta đã nói mà, đứa trẻ này không phải kiểu người có thể lên núi săn bắn, không ngờ nó lại thích đọc sách.
Vậy thì học đi!
Con người sống trên đời, phải có mục tiêu để hướng tới.
Không ngờ Đại Lang lại đang đứng ngoài bức tường nhà tam thẩm.
Dáng người cao gầy, quần áo không vừa, treo lủng lẳng trên người.
Thấy ta và Tiểu Tú ra, nó mấp máy môi, như muốn nói gì đó nhưng không thành lời.
Ta nắm tay Tiểu Tú đi phía trước, nó lặng lẽ theo sau.
Tường nhà trong thôn thấp, giọng tam thẩm lại to, hàng xóm chắc đều nghe thấy, Đại Lang hẳn cũng đã nghe.
"Mẹ, con đến tìm mẹ..."
"Con muốn nói là mai không cần đi cùng chúng ta lên trấn, bảo ta đừng trả tiền cọc xe bò cho con nữa chứ gì?"
"Không phải, con muốn nói con sẽ đi cùng với mẹ và Tiểu Tú."
"Giờ con có muốn đi, ngày mai chúng ta cũng không đi được nữa. Con xem, ta đã đắc tội với tam thẩm của con rồi."
...
Bầu không khí im lặng trở lại.
Trời nhanh chóng tối đen.
Tống Toàn không ở nhà, ta và Tiểu Tú cùng ngủ.
Cô bé nằm trên giường, ta đặt chậu nước lên ghế để gội đầu cho cô bé.
Cô bé mở to đôi mắt, yên lặng nhìn ta, lát sau lại đưa ngón tay nhỏ gầy ngoắc ngoắc ta.
Ta nhẹ nhàng nắm lấy tay cô bé, cô bé nở nụ cười không tiếng động.
Cô bé có một con búp bê vải trắng, được thêu mắt mũi miệng và tóc đen. Cô bé ôm nó mỗi khi đi ngủ.
Tiểu Tú không biết nói, nhưng ta biết, đó là món đồ mẹ cô bé làm cho.
Con búp bê ấy chắc chắn còn mang mùi hương của mẹ cô bé.
Một đứa trẻ như thế, làm sao không khiến người khác đau lòng?
Lúc đó, tiếng gõ cửa vang lên.
12
Ta mở cửa phòng, đứng bên ngoài là Đại Lang.
"Mẹ thật sự muốn cho con đi học sao?"
Nó không vào nhà, chỉ đứng ở ngưỡng cửa, nhìn ta chăm chú.
Ánh đèn trong phòng chiếu lên người cậu thiếu niên, đôi mắt sáng tựa ánh sao. Giây phút này, nó trông khác hẳn thường ngày, toát lên sức sống mạnh mẽ của lứa tuổi thiếu niên.
Nó đúng là nhi tử của cha nó, giống y hệt, ta nghĩ.
"Đúng là thật."
"Tại sao?"
"Không phải con thích học sao?"
"Mẹ có biết học hành tốn bao nhiêu tiền không?"
"Ta không biết, nhưng ta nghĩ chuyện đó không phải việc con cần lo."
"Mẹ..."
"Con cũng không cần nghi ngờ tấm lòng của ta, cũng không cần cảm kích. Nếu con học tốt, sau này có được chút chức tước, nhà họ Tống ta coi như đổi đời. Nhi tử của ta sinh ra sẽ không còn phải làm thợ săn, vì ca ca nó là người làm quan, nó cũng có cơ hội học hành, làm quan. Nữ nhi sinh ra lại càng khác, có ca ca làm quan, nó sẽ lấy được chồng tốt."
"Nếu con học không giỏi thì sao?"
"Không giỏi thì sau này làm tiên sinh dạy học. Nếu không làm quan được, con mở lớp dạy trẻ trong làng cũng tốt. Con không phải nói học hành tốn tiền sao? Đến lúc đó, con kiếm tiền nuôi ta, cha con và Tiểu Tú là được."
Cậu thiếu niên vẫn còn do dự, hàng mi dài khẽ rung, như mang nặng tâm tư.
"Tất nhiên, nếu con không muốn học cũng được, vậy thì theo cha con vào rừng săn bắn. Đỡ phải tốn tiền, cuộc sống của ta cũng dễ thở hơn. Đại Lang, ta là mẹ kế, không có kiên nhẫn đâu. Con suy nghĩ kỹ rồi hẵng nói."
Ta quay người định đóng cửa, nhưng nó đưa tay chặn lại.
"Mẹ, con muốn đi học."
Cậu thiếu niên gầy gò, nhưng ánh mắt kiên định.
"Ừ!"
Hôm sau, chúng ta không thể lên trấn, xe bò đã đủ người.
Liên tiếp vài người đến trả nợ, ai cũng kể lể khó khăn, như thể nói thế ta sẽ động lòng mà không lấy tiền vậy.
Buồn cười, tiền của Tống Toàn đâu phải từ trên trời rơi xuống.
Chỉ trong một ngày, ta thu về năm lượng bạc và hơn một trăm đồng tiền.
Năm lượng bạc, đủ cho nhà ta sống no đủ cả năm.
Ta gọi Đại Lang tính toán lại số giấy nợ còn lại, xem ai nợ bao nhiêu.
Cậu tính xong, còn lại mười một tờ giấy nợ, tổng cộng hơn ba lượng bạc.
"Mẹ, những người còn lại đều sống khó khăn." Đại Lang nói.
"Đợi cha con về rồi tính. Đại Lang, cha con làm thế nào mà nghĩ ra chuyện viết giấy nợ vậy?"
Dù sao trong làng cũng chẳng mấy ai biết chữ, Tống Toàn chỉ biết đếm số, bảo hắn viết cũng chẳng biết viết.
"Năm năm trước, mẹ con bệnh nặng, cha muốn đưa mẹ lên trấn tìm thầy thuốc nhưng không đủ tiền. Khi đó, nhà ở đầu làng có người mượn năm lượng bạc, cha đến đòi, họ không chỉ không trả mà còn không nhận nợ.”
"Sau đó, mẹ mất. Cha vẫn mềm lòng, ai mượn cũng cho mượn, nhưng sợ họ không trả nên bảo con viết giấy nợ, bắt họ *điểm chỉ. Lúc ấy con còn nhỏ, chữ viết không đẹp..."
(*điểm chỉ: in dấu vân tay)
Nói xong, Đại Lang gãi gãi đầu, có chút ngượng ngùng.
Ta nhìn giấy nợ, rồi nhìn nó.
"Ta không biết chữ, nhưng chữ con viết lúc nhỏ mà đã chỉnh tề thế này thì thật không dễ. Đại Lang, hồi nhỏ con học chữ sao?"
"Là mẹ con dạy. Mẹ có nghe về vụ án tham nhũng của Hứa Hiền Lương không? Ngoại tổ của con từng là quản gia của nhà Hứa Hiền Lương, sau đó bị liên lụy, bị chém đầu. Mẹ con là nha hoàn bên cạnh tam tiểu thư nhà họ Hứa, từ nhỏ đã học chữ cùng tiểu thư.
"Về sau, khi gia nhân nhà họ Hứa bị đem ra bán, cha con lên trấn bán da thú, thấy mẹ con đáng thương nên mua về."
Hóa ra còn có câu chuyện như vậy.
Mẹ của Đại Lang, cũng là một người đáng thương.
"Tại sao cha con không cho con đi học, khi con đã có nền tảng như vậy?"
"Bệnh của mẹ đã vét sạch gia sản. Những ngày ấy, ngay cả ăn no cũng khó. Mẹ mất, cha bệnh nửa tháng. Cha nói muốn cho con đi học, con lại bảo đợi nhà tích đủ tiền, cứ thế mà trì hoãn."
Đại Lang cúi đầu. Ta chẳng giỏi ăn nói, đặc biệt trước một cậu thiếu niên như nó, không biết làm sao để an ủi.
Mất mẹ ruột, nói gì cũng vô ích.
Chỉ có thể để thời gian dần xoa dịu nỗi đau, ngày qua ngày...
Hai ngày sau, chúng ta ngồi xe bò của làng bên lên trấn, mua những thứ cần thiết.
Ta dẫn hai đứa trẻ đến Văn Hoa Thư Viện, nghe nói đây là thư viện tốt nhất trong trấn.
Học phí một năm mười lượng bạc. Nếu bao ăn ở, thêm năm lượng nữa. Lễ lạt cho thầy, bút mực giấy, ít nhất cũng ba bốn chục lượng một năm.
Tống Toàn đưa ta năm mươi lượng, cộng với số tiền thu về mấy ngày nay, tổng cộng còn lại năm mươi lăm lượng sau khi trừ chi tiêu.
"Mẹ, một năm ba mươi mấy lượng, đắt quá..."
Ra khỏi thư viện, Đại Lang cúi đầu, vai trĩu xuống.
"Không sao, mẹ với cha con nuôi nổi."
Ta vỗ vai cậu, bảo cậu đứng thẳng, ngẩng cao đầu.
Sống là phải có hy vọng, ta với cha nó còn có, sao một cậu thiếu niên như nó lại không thể?
Thư viện không phải ai cũng nhận, đặc biệt là Đại Lang đã lớn, phải qua khảo hạch mới được vào.
Ta không biết họ khảo gì, Đại Lang thì có vẻ biết, nên bảo ta mua vài cuốn sách cần thiết, thêm bút mực giấy, tiêu hơn hai lượng bạc.
Đúng là học hành không dễ, mà còn tốn kém.
Lòng ta xót xa.
Nhưng đây là tương lai của một đứa trẻ, đáng giá.
Tống Toàn đã đi bảy ngày vẫn chưa về, ta cũng chẳng biết hỏi thăm ở đâu.
Đại Lang nói trước đây cha nó có khi đi hơn mười ngày, bảo ta đừng lo.
Lo cũng vô ích.
Ta thấy có người trong trấn mang nấm khô đến quán rượu, một cân được trả hai mươi đồng.
Hai mươi đồng cũng là tiền!
Những ngày rảnh rỗi, ta dẫn Tiểu Tú lên núi, không dám vào sâu, chỉ nhặt nấm gần đó, hái rau dại hoặc những loại thảo dược quen thuộc.
Nhặt đầy giỏ cũng là tiền!